Sign In

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG PHÁP LUẬT VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

16/12/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Gửi email

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG PHÁP LUẬT VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Phiên tòa trực tuyến tại Tòa án nhân dân quận Bình Tân

           
TS. Nguyễn Văn Tiến
Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
                                                       ThS. NCS. Nguyễn Đức Phước
Chánh án Tòa án nhân dân Quận Bình Tân TP.HCM
            Đặt vấn đề. Hiện nay tại Mục 3 Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Dự thảo “Nghị quyết Hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình” chưa quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hôn nhân và gia đình. Trong khi đó, theo quy định của luật hôn nhân và gia đình, vợ chồng có nghĩa vụ về nhân thân, tài sản nhưng việc một bên vi phạm chưa được xử lý bằng chế tài thích hợp. Điều này đòi hỏi cơ chế điều chỉnh của luật phải bảo đảm tính toàn diện, đủ sức răn đe vợ chồng trong việc thực thi nghĩa vụ, trong đó có bồi thường thiệt hại. Là văn bản dưới luật, Dự thảo “Nghị quyết Hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình” phải bổ sung vấn đề này để bảo đảm sự bình đẳng giữa vợ và chồng, các quyền nhân thân, tài sản giữa vợ chồng phải được thực thi toàn diện, đầy đủ và triệt để.
            1.1 Sự cần thiết của quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Dự thảo “Nghị quyết Hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình”
            Bồi thường thiệt hại theo nghĩa rộng là việc “đền bù những tổn thất đã gây ra[1]. Bồi thường thiệt hại là một dạng của nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc gây thiệt hại. Là “hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại[2]. Thiệt hại là “ mất mát, hư hỏng nặng nề về người và của”[3]. Là “ tổn thất về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ[4]. Thiệt hại bao gồm thiệt hại về mặt vật chất và thiệt hại về tinh thần. Thiệt hại về vật chất có thể là tài sản bị mất mát, hư hỏng, chi phí để khắc phục những thiệt hại cùng hoa lợi, lợi tức không thể thu được do thiệt hại xảy ra. Thiệt hại về tinh thần bao gồm những tổn thất về danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc suy sụp về tâm lý, tình cảm của con người. Theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Theo quy định này, khi có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và hành vi xâm phạm đó gây ra những tổn thất về mặt vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại thì phải bồi thường. Quy định này nhằm bảo vệ quyền con người được ghi nhận tại Điều 13 BLDS năm 2015 về quyền được bồi thường toàn bộ thiệt hại, Điều 33 về quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể; Điều 34 về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác. Đối với quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 39 BLDS năm 2015. Theo đó, cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha, mẹ, con và quan hệ giữa các thành viên gia đình. Cá nhân thực hiện quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình theo quy định của BLDS năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HN&GĐ) năm 2014, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Bình đẳng giới năm 2006 và luật khác có liên quan.
            Ngày nay, quyền con người, quyền công dân luôn được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ. Mọi hành vi trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích của công dân đều phải bị xử lý tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đặt ra khi có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và cần phải được bù đắp bằng lợi ích vật chất, tinh thần cho bên bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nguyên tắc, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xác định thiệt hại, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
            Theo quy định tại Chương XX BLDS năm 2015, việc xác định thiệt hại là tiền đề quan trọng, xác định nghĩa vụ của người phải thực hiện việc bồi thường. Đó là những thiệt hại về vật chất (tài sản), thu nhập thực tế bị giảm sút hay bị mất, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại. Thiệt hại phải là những tổn thất  trực tiếp do kết quả của hành vi có lỗi, trái pháp luật gây ra. Nguyên tắc chung trong việc đánh giá thiệt hại là phải tính toán được và có thể xác định bằng một khoản tiền tương đương làm cơ sở để bồi thường. Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, xem xét một cách toàn diện các thông tin, tài liệu để đánh giá một cách tương đối chính xác về thiệt hại và ấn định mức bồi thường đối với chủ thể có nghĩa vụ[5].
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi khi có hành vi trái pháp luật và là nguyên nhân nhân của thiệt hại. Hành vi trái pháp luật gây thiệt hại là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật, hành vi không thực hiện vì lợi ích của xã hội, người khác. Hành vi trái pháp luật bao gồm hành vi hành động hoặc không hành động. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh gắn liền với mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Mối quan hệ nhân quả thể hiện sự liên hệ mật thiết giữa nguyên nhân và kết quả. Hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra hậu quả là thiệt hại.
            Nói đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại là nói đến tính có lỗi của người gây ra thiệt hại. Lỗi là một trong bốn điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và liên quan đến mức độ bồi thường. Lỗi là trạng thái tâm lý của con người nhận thức được về tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả của hành vi đó. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: lỗi cố ý và lỗi vô ý[6]. Khi xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại, lỗi là căn cứ xác định thái độ, mức độ vi phạm cũng như xác định mức bồi thường.
            Từ phân tích trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hôn nhân và gia đình cần phải được quy định trong Dự thảo bởi các lý do:
            Một, trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định trong BLDS năm 2015 không chỉ áp dụng trong các luật khác mà còn áp dụng trong luật hôn nhân và gia đình. Hiện nay, trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định trong Chương XX BLDS năm 2015, Nghị quyết Số: 02/2022/NQ-HĐTP, là căn cứ áp dụng để giải quyết việc bồi thường thiệt hại trong các quan hệ pháp luật về hình sự, dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh, thương mại, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước khi có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại. Việc cụ thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là điều cần thiết và phù hợp với quy định chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
            Hai, chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình vừa là chủ thể của các quan hệ pháp luật nói chung, vừa là chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình nói riêng. Dưới góc độ là chủ thể của các quan hệ pháp luật nói chung, các chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình được hưởng các quyền do luật định và thực hiện nghĩa vụ của công dân. Quyền, nghĩa vụ của chủ thể này được hiến pháp và các luật quy định. Dưới góc độ là chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình, chủ thể của quan hệ này thực hiện theo quy định của luật hôn nhân và gia đình. Trong đó, vợ chồng là nhóm chủ thể chính và được hầu hết các quy phạm pháp luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh.
            Dưới góc độ là chủ thể của các quan hệ pháp luật nói chung, vợ, chồng là công dân, được hưởng các quyền do luật định và thực hiện nghĩa vụ của công dân. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật chung. Dưới góc độ là chủ thể của quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình, vợ chồng thực hiện quyền, nghĩa vụ do luật hôn nhân và gia đình quy định, bao gồm các quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản. Quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng có sự pha trộn giữa quyền, nghĩa vụ của cá nhân và quan hệ vợ chồng. Để duy trì, phát triển gia đình, vợ, chồng phải cộng đồng thực hiện các nghĩa vụ để xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc[7].
            Ba, vợ chồng gây thiệt hại cho bên còn lại phải bồi thường thiệt hại. Theo Điều 6 Luật HN&GĐ năm 2014, các quy định của Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình trong trường hợp Luật này không quy định. Theo khoản 3, khoản 4 Điều 5 Luật này, mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình. Với quy định trên, vợ, chồng có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại phải bồi thường cho bên còn lại theo luật dân sự và các luật liên quan[8].
            Bốn, các luật liên quan quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa vợ chồng và giữa các thành viên trong gia đình. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Luật PCBLGĐ) năm 2022 quy định cụ thể về xử lý khi có hành vi bạo lực gia đình. Theo điểm đ khoản 1 Điều 9 Luật này, người bị bạo lực gia đình có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và thiệt hại về tài sản. Để bảo vệ người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời gian không quá 04 tháng khi có căn cứ quy định tại Điều 26 của Luật này. Theo khoản 1 Điều 41 Luật PCBLGĐ năm 2022, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thi tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Theo khoản 1 Điều 51 Luật PCBLGĐ năm 2022, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình. Với quy định trên, khi vợ, chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình, họ có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi, trong đó có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
            Theo Điều 42 Luật Bình đẳng giới năm 2006, người nào nào có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đây là những căn cứ, dựa vào đó, Tòa án quyết định việc bồi thường thiệt hại giữa vợ chồng khi có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại và có yêu cầu.
            Năm, tiền lệ về bồi thường thiệt hại giữa vợ và chồng đã được Tòa án quyết định trong một số bản án. Chẳng hạn, Tòa án đã ban hành bản án tuyên buộc vợ, chồng phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại do vi phạm nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình[9]; Bị cáo Nguyễn Quốc K bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích”do đánh ghen và gây thương tích cho bị hại là vợ với với kết luận thương tích của bị hại là 42%[10]; Vụ án hình sự Cầm Bá H xâm phạm quyền của bị hại Lang Thị Th[11]. Từ các vụ án nêu trên, chúng tôi nhận thấy việc áp dụng pháp luật về bồi thường thiệt hại giữa vợ chồng đã được thực hiện dù mức độ chưa phổ biến.
            Sáu, trách nhiệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa vợ chồng đã được quy định gián tiếp tại điểm d khoản 2 Điều 59 LHN&GĐ và điểm d khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch Số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06 tháng 01 năm 2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13. Theo đó, khi giải quyết ly hôn, tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia. Lỗi của vợ hoặc chồng căn cứ vào việc vợ, chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn như có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản. Quy định này không chỉ bảo vệ quyền của vợ chồng mà còn ngăn ngừa việc vi phạm nghĩa vụ về nhân thân, tài sản giữa vợ chồng và cần được bù đắp bằng tài sản. Từ phân tích nêu trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa vợ chồng cần được quy định trong Dự thảo “Nghị quyết Hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình”.
            1.2 Nội dung trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Dự thảo “Nghị quyết Hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình”
            Về nguyên tắc trách nhiệm bồi thường thiệt hại tuân thủ quy định tại Chương XX BLDS năm 2015. Tuy nhiên, trong phạm vi Dự thảo “Nghị quyết Hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình” chỉ nên cụ thể hóa về chủ thể bồi thường thiệt hại và hành vi trái pháp luật gây thiệt hại
            Về chủ thể bồi thường thiệt hại trong hôn nhân và gia đình. Về nguyên tắc, các chủ thể gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Tuy nhiên, do phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật hôn nhân và gia đình, chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cần được quy định trong Dự thảo chỉ nên là vợ chồng. Đề xuất này dựa vào hai căn cứ: (i) quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản được quy định trong luật hôn nhân và gia đình chủ yếu là giữa vợ với chồng và giữa vợ chồng với con. Nội dung quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng bao gồm quyền  và nghĩa vụ về nhân thân, đại diện, chế độ tài sản, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con. Trong đó, con là chủ thể được hưởng quyền là chính vì con chưa thành niên và cha mẹ phải thực hiện các nghĩa vụ theo luật định; (ii) các thành viên gia đình[12] là những cá nhân thành niên, có năng lực hành vi nên có quyền, nghĩa vụ của họ là quyền, nghĩa vụ của công dân. Trong hôn nhân và gia đình, các chủ thể này chủ yếu gắn với việc giám hộ, cấp dưỡng, nuôi con nuôi, chủ thể khởi kiện vì lợi ích của thành viên gia đình[13]. Thực tiễn cho thấy, hầu hết các vi phạm trong hôn nhân và gia đình là vi phạm về nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa vợ và chồng.
            Về hành vi trái pháp luật gây thiệt hại là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa vợ chồng. Hành vi trái pháp luật gây thiệt hại là hành vi của vợ chồng vi phạm luật hôn nhân và gia đình và các luật liên quan gây thiệt hại cho bên còn lại. Đó là hành vi vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ nhân thân mang tính chất tình cảm, riêng tư giữa vợ và chồng; hành vi vi phạm nghĩa vụ nhân thân mang tính chất tự do dân chủ của công dân. Song song với hành vi vi phạm nghĩa vụ về nhân thân, vợ, chồng có thể có hành vi gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến quyền của bên còn lại.
            Đối với căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nguyên tắc bồi thường thiệt hại, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xác định thiệt hại áp dụng theo quy định tại Chương XX BLDS năm 2015, Nghị quyết Số: 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng Thẩm phán TATC hướng dẫn một số quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
            Kết luận. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hôn nhân nhân và gia đình là một dạng trách nhiệm bồi thường trong luật dân sự và cần được điều chỉnh bằng việc quy định trong văn bản quy phạm pháp luật (văn bản dưới luật). Việc cụ thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa vợ và chồng là cần thiết và là căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền, lợi hợp pháp của bên bị xâm phạm. Với tinh thần trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại giữa vợ và chồng cần được cụ thể hóa và ghi nhận trong Dự thảo “Nghị quyết Hướng dẫn một số vấn đề về giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình”. Quy định này không chỉ là việc bù đắp tổn thất do hành vi trái pháp luật của vợ, chồng gây ra mà còn có ý nghĩa trong việc răn đe vợ chồng trong việc điều chỉnh cách ứng xử để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại.
 
Tài liệu tham khảo.
1. Bộ luật Dân sự năm 2015;
2. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
3. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022;
4. Luật Bình đẳng giới năm 2006;
5. Nghị quyết Số: 02/2022/NQ-HĐTP  ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng Thẩm phán TATC hướng dẫn một số quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;
6. Nguyễn Như Ý (1998), “Đại Từ điển tiếng Việt”, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội;
7. Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp (2006), “Từ điển Luật học”, Nxb Từ điển Bách khoa – Nxb Tư pháp, Hà Nội;
8. Huỳnh Thị Nam Hải, “Bồi thường đối với những thiệt hại do việc ly hôn gây ra – Nghiên cứu so sánh pháp luật Pháp và Việt Nam”, https://tapchitoaan.vn/boi-thuong-doi-voi-nhung-thiet-hai-do-viec-ly-hon-gay-ra-%E2%80%93-nghien-cuu-so-sanh-phap-luat-phap-va-viet-nam;
9. Bản án số: 04/2020/DS-ST Ngày: 28/5/ 2021 V/v: “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” của TAND huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, https://hethongphapluat.com/ban-an-so-04-2020-ds-st-ngay-28-05-2021-cua-tand-huyen-thanh-ba-tinh-phu-tho-ve-doi-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong-ve-tai-san.html;
10. Bản án Số ngày21-5-2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long phúc thẩm n n ơ m : T 0 của TAND Thành phố Vĩnh Long ý https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta490822t1cvn/chi-tiet-ban-an;
11. Bản án số: 24/2018/HSST ngày 19/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa về tội “Giết người”, https://amilawfirm.com/22-ban-an-ve-tinh-tiet-tang-nang-pham-toi-co-tinh-chat-con-do/.
 
[1] Nguyễn Như Ý (1998), “Đại Từ điển tiếng Việt”, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr191.
[2] Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp (2006), “Từ điển Luật học”, Nxb Từ điển Bách khoa – Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr.31.
[3] Nguyễn Như Ý (1998), “Đại Từ điển tiếng Việt”, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr1571.
[4] Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp (2006), “Từ điển Luật học”, Nxb Từ điển Bách khoa – Nxb Tư pháp, Hà Nội, tr.118.
[5] Điều 2 Nghị quyết Số: 02/2022/NQ-HĐTP  ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Hội đồng Thẩm phán TATC hướng dẫn một số quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
[6] Điều 364 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[7] Khoản 3 Điều 2 Luật HN&GĐ năm 2014.

[8] Huỳnh Thị Nam Hải, “Bồi thường đối với những thiệt hại do việc ly hôn gây ra – Nghiên cứu so sánh pháp luật Pháp và Việt Nam”, https://tapchitoaan.vn/boi-thuong-doi-voi-nhung-thiet-hai-do-viec-ly-hon-gay-ra-%E2%80%93-nghien-cuu-so-sanh-phap-luat-phap-va-viet-nam, truy cập lúc 6h ngày 21.10.2023.

[9] Bản án số: 04/2020/DS-ST Ngày: 28/5/ 2021 V/v: “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” của TAND huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, https://hethongphapluat.com/ban-an-so-04-2020-ds-st-ngay-28-05-2021-cua-tand-huyen-thanh-ba-tinh-phu-tho-ve-doi-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong-ve-tai-san.html, truy cập lúc 7h ngày 21.10.2023.
[10] Bản án Số 39 /2020/HSPT ngày 21-5-2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long phúc thẩm Bản án sơ thẩm số: 05/2020/HSST ngày 06/02/2020 của TAND Thành phố Vĩnh Long về tội “Cố ý gây thương tích”, https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta490822t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập lúc 7h7 phút ngày 21.10.2023.
[11] Bản án số: 24/2018/HSST ngày 19/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa về tội “Giết người”, https://amilawfirm.com/22-ban-an-ve-tinh-tiet-tang-nang-pham-toi-co-tinh-chat-con-do/, truy cập lúc 7h20 ngày 21.10.2023.
[12] Khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
[13] Chương VI Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Ý kiến bạn đọc

Danh sách bình luận

Xem thêm »