Hiểu được vai trò của chuyển đổi số và tòa án điện tử, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong cho biết trong năm 2023, ngoài việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá để nâng cao chất lượng công tác tòa án, thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tòa án 2 cấp TP.HCM (TAND TP.HCM và tòa cấp quận/huyện, TP.Thủ Đức - PV), là chuyển đổi số.
Cụ thể, TAND TP.HCM sẽ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các đề án do TAND TP.HCM đã được phê duyệt, tạo cơ sở để kết nối Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06 của Chính phủ). Đồng thời, việc triển khai các đề án này sẽ là tiền đề để xây dựng tòa án điện tử trong thời gian tới.
Các đề án mà TAND TP.HCM đang triển khai đồng bộ là gì, thưa ông?
Ông Lê Thanh Phong: Từ năm 2021, TAND TP.HCM đã triển khai đề án đối thoại trực tuyến trong giải quyết án hành chính, và hiện nay đang tiếp tục triển khai. Thực tế giải quyết các án hành chính cho thấy, việc vắng mặt của đương sự khi tòa án tiến hành đối thoại, kiểm tra, tiếp cận chứng cứ và xét xử ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình giải quyết vụ án.
Vì vậy, đối thoại trực tuyến trong giải quyết các vụ án hành chính tại TAND TP.HCM đã tháo gỡ phần nào vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự không thể đến tòa án có tham gia đối thoại.
Thứ 2, đó là Đề án phiên họp trực tuyến xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Hiện tại trên địa bàn TP.HCM có 2 trung tâm là cơ sở xã hội Nhị Xuân (H.Hóc Môn), cơ sở xã hội Thanh thiếu niên 2 (H.Củ Chi), là nơi tiếp nhận, tạm giữ người nghiện ma túy, cũng là nơi tổ chức phiên họp cho TAND TP.HCM và 21 quận/huyện, TP.Thủ Đức.
Mỗi cơ sở chỉ từ 3 - 4 phòng họp nhưng số lượng phiên họp phải tổ chức hàng năm là 3.500 – 4.500 vụ. Hơn nữa, mỗi phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, ngoài sự tham gia của thẩm phán, thư ký tòa, còn có kiểm sát viên, đại diện Phòng Lao động - thương binh và xã hội (cơ quan đề nghị áp dụng).
Chi phí đi lại và việc bố trí phương tiện đi lại… sẽ ảnh hưởng đến thời gian mở phiên họp. Vì vậy, TAND TP.HCM triển khai đề án "Phiên họp trực tuyến xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TP.HCM". Khi triển khai đề án, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng với quyết tâm nên trong năm 2022, tòa án 2 cấp TP.HCM đã mở được 160 phiên họp trực tuyến.
Thứ 3, Đề án "Tống đạt, thông báo văn bản tố tụng thông qua phương tiện điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính tại TAND 2 cấp TP.HCM" (Đề án tống đạt điện tử) dự kiến sẽ triển khai thí điểm từ tháng 2.2023.
Ông Lê Thanh Phong: Mỗi năm, tòa án 2 cấp TP.HCM thụ lý, giải quyết trên 60.000 vụ việc, trong đó khoảng 90% là vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính.
Vì vậy, để giải quyết các vụ việc trên thì tòa án 2 cấp TP.HCM phải tống đạt một lượng rất lớn văn bản tố tụng. Trong đó, không ít các đương sự trong vụ án, làm việc, di chuyển giữa các tỉnh, các nước, dẫn đến việc TAND triệu tập, tống đạt các văn bản tố tụng rất khó khăn, tốn nhiều chi phí đi lại, thời gian, công sức và mong muốn được tống đạt bằng phương thức điện tử.
Nếu triển khai phương thức tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua phương tiện điện tử sẽ giảm thời gian đi lại cho tòa, cũng như đương sự, và tiết kiệm được ngân sách nhà nước rất lớn.
Về cơ sở pháp lý, luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử giữa người khởi kiện, đương sự, người tham gia tố tụng khác và tòa án.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên trên thực tế phương thức này chưa được triển khai trên phạm vi cả nước. Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương thức điện tử, TAND TP.HCM đã đề nghị TAND tối cao cho phép triển khai thí điểm việc tống đạt các văn bản tố tụng bằng phương thức điện tử trong tố tụng dân sự và hành chính.
Tuy nhiên, để triển khai đề án này, ngoài cơ sở pháp lý đã được quy định thì cần phải có sự hỗ trợ của công nghệ. TAND TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng phần mềm hỗ trợ, dự kiến sẽ triển khai thí điểm trong tháng 2.2023.
Mục tiêu quan trọng của tòa án điện tử là hướng tới phục vụ người dân, cung ứng cho người dân các dịch vụ tư pháp công hiện đại, thuận lợi và tiết kiệm. Trong đó, bao gồm số hóa hồ sơ và xét xử trực tuyến. Vậy, TAND đã xây dựng 2 hệ thống này như thế nào?
Ông Lê Thanh Phong: Hệ thống số hóa hồ sơ tại tòa đã được TAND TP.HCM thực hiện từ cách đây 3 năm. Với việc số hóa hồ sơ đã giải quyết để phục vụ hoạt động lưu trữ cũng như việc trích lục, khai thác hồ sơ. Ngay từ khâu nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, cũng như trong quá trình giải quyết, TAND TP.HCM đã thực hiện việc scan, số hóa từng bước hình thành hồ sơ điện tử phục vụ cho việc xây dựng tòa án điện tử sau này.
Bên cạnh đó, hiện nay, tòa án 2 cấp TP.HCM đang triển khai các phần mềm của TAND tối cao như: Phần mềm quản lý hoạt động tố tụng; Phần mềm quản lý văn bản điều hành của tòa án và Phần mềm thống kê, Phần mềm trợ lý ảo, việc triển khai đồng bộ các phần mềm này là cơ sở để kết nối dữ liệu của tòa án với Đề án 06 của Chính phủ.
Bên cạnh việc triển khai các để án, các phần mềm, năm 2022, tòa án 2 cấp TP.HCM tích cực triển khai xét xử trực tuyến, và là đơn vị dẫn đầu cả nước về xét xử trực tuyến, xây dựng, triển khai các phần mềm phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành của tòa án 2 cấp TP.HCM.
Định hướng tiếp theo của TAND TP.HCM trong việc chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử ra sao, thưa ông?
Ông Lê Thanh Phong: TAND TP.HCM sẽ từng bước xây dựng hệ thống tòa án điện tử từ quản trị tòa án trên nền tảng số theo Đề án xây dựng tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 của TAND tối cao.
Để xây dựng tòa án điện tử cần phải triển khai các phần mềm, tích hợp với nhiều hệ thống công nghệ thông tin. Từ việc cung cấp các dịch vụ tư pháp công, phục vụ người dân, như: gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản của tòa án thông qua phương tiện điện tử; đăng ký trực tuyến cấp sao bản án và tài liệu trong hồ sơ vụ án; nộp án phí, lệ phí, tiền phạt trực tuyến; tra cứu các thông tin về vụ án, như thông báo thụ lý vụ án, vụ việc; quyết định phân công thẩm phán thụ lý; lịch mở phiên tòa, phiên họp; tiến trình tố tụng và các thông tin khác; cung cấp các bản án đã được xét xử, trên cơ sở đó, người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, rồi tham gia hữu hiệu vào hoạt động giám sát tư pháp…
Cốt lõi của việc xây dựng tòa án điện tử chính là chuyển đổi số các hoạt động tố tụng để hình thành nên một phương thức tố tụng mới trên nền tảng số.
Vì vậy, TAND TP.HCM sẽ từng bước thực hiện để đáp ứng kịp thời, phù hợp với xu hướng chung của Chính phủ.
Nguồn Báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/chanh-an-tand-tphcm-chuyen-doi-so-trong-to-tung-khong-con-la-ke-hoach-tuong-lai-185230208090523072.htm