Sign In

Dữ liệu điện tử - nguồn chứng cứ theo quy định pháp luật Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

06/05/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Gửi email

Chứng minh là hoạt động tố tụng cơ bản trong tố tụng dân sự, mang tính chất quyết định đến kết quả giải quyết vụ việc dân sự, làm cơ sở cho Tòa án giải quyết vụ việc dân sự được chính xác và đúng pháp luật . Hoạt động chứng minh dựa gắn liền với quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có hiệu lực, dữ liệu điển tử đã được công nhận như nguồn chứng cứ. Tuy nhiên việc đánh giá nguồn chứng cứ này vẫn là vấn đề chưa có quy định cụ thể.

Dẫn nhập
          Chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử là xu thế toàn cầu và không thể đảo ngược. Đối với Tòa án cũng vậy, xây dựng Tòa án điển tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới; đây cũng chính là việc thực hiện cam kết của Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (đó là đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng Tóa án điện tử)[2].
          Bản chất của Tòa án điện tử là chuyển đổi số các hoạt động của Tòa án, trong đó cốt lõi là chuyển đổi số hoạt động tố tụng để hình thành lên một phương thức tố tụng mới trên nền tảng số.
          Việc chuyển đổi số hoạt động của Tòa án theo mô hình Tòa án điện tử đòi hỏi sự thiết lập đồng bộ các thành phần của Tòa án điện tử như: hệ thống tố tụng điện tử; hệ thống hỗ trợ cho Thẩm phán; kênh giao tiếp; hệ thống quản lý, điều hành và phân hệ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
          Với hệ thống tòa án có gần 80 năm áp dụng tố tụng văn bản[3] cùng với hạ tầng công nghệ thông tin yếu kém[4], sự thiếu và yếu của nguồn nhân lực công nghệ thông tin thì việc chuyển đổi qua mô hình Tòa án điện tử là một thách thức không nhỏ đối với hệ thống tòa án Việt Nam. Tuy vậy, giữa những khó khăn, thách thức về mặt vật lực và rà soát, điều chỉnh nền tảng pháp lý, theo quan điểm Người viết, việc đồng bộ nền tảng pháp lý phù hợp với yêu cầu của tố tụng Tòa án theo mô hình Tòa án điện tử nên được đặt hàng đầu. Việc thiếu cơ sở pháp lý hoàn toàn có thể dẫn đến sự vô hiệu hóa giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin.
          Ví dụ, dịch vụ công gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án bằng phương tiện điện tử đang được Tòa án nhân dân tối cao coi là dịch vụ đột phá trong hoạt động cải cách tư pháp và là thành phần quan trọng của hệ thống tố tụng điện tử. Tuy nhiên, việc thực hiện giải pháp này gặp trở ngại với quy định của Nghị quyết số 04/2016/NQQ-HĐTP về việc nộp đơn khởi kiện trực tuyến bắt buộc phải có chữ ký số. Trong khi đó việc sử dụng chữ ký số chưa được đại trà, không đơn giản về kỹ thuật và việc duy trì đòi hỏi trả phí theo tháng[5]. Tố tụng tòa án là một quá trình gắn với đơn khởi kiện, đơn kháng cáo, đơn yêu cầu, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng quy định pháp hiện hành mới chỉ cho phép nhận đơn khởi kiện trực tuyến[6].
          Hoặc những lập luận không rõ rằng, chắc chắn, không có sự chỉ rõ cơ sở pháp lý của Tòa án khi tuyên bản án có liên quan đến dữ liệu điện tử cũng có thể dẫn đến cách hiểu Tòa án không chấp nhận yêu cầu của một bên là do không xác định được tính xác thực của dữ liệu điện tử, chứ không phải do chứng cứ là dữ liệu điện tử. Ngay cả trong trường hợp Tòa án cho rằng không xác thực được danh tính của dữ liệu điện tử thì cũng có rất nhiều vấn đề pháp lý đặt ra như: cơ sở pháp lý của quyền từ dữ liệu điện tử là chứng cứ duy nhất, quan trọng nhất của vụ vì không xác định được danh tính; cơ sở pháp lý xác định tính hợp pháp của quy định quy trình, thủ tục thu thập chứng cứ; nghĩa vụ cung cấp chứng cứ là dữ liệu điện tử có đi kèm nghĩa vụ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm xác thực danh tính của chủ thể đã khởi tạo, lưu trữ, truyền dữ liệu điện tử hay không?  .
          Minh họa cho các vấn đề đặt ra là Bản án số 20/2019/KDTM-PT ngày 12-8-2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa[7] của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương. Trong Bản án này TAND tỉnh Bình Dương không chấp nhận chứng cứ điện tử là hợp đồng đã được các bên xác lập dưới hình thức trao đổi qua điện thoại, có thỏa thuận về phương thức thanh toán, theo đó Công ty B xuất hóa đơn giá trị gia tăng, khi nhận được hóa đơn giá trị gia tăng Công ty DN thanh toán tiền cho Công ty B. Các Bên đã thực hiện Hợp đồng trên thực tế[8]. Công ty DN có chuyển trả cho Công ty B tổng số tiền 299.868.000 đồng và còn nợ số tiền 2.063.363.024 đồng. Khoản nợ không đòi được chính là yêu cầu khởi kiện của Công ty B. Tại phiên tòa phúc thẩm, Bị đơn (Công ty DN) cung cấp các văn bản thể hiện nội dung các email và cho rằng các email này do khách hàng của Bị đơn gửi cho Bị đơn về việc phản ảnh hàng kém chất lượng và phạt trừ tiền bán hàng của Bị đơn. Tuy nhiên, các email đều có nội dung là tiếng nước ngoài, chưa được dịch sang tiếng Việt và chứng thực theo quy định tại khoản 3 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự, không rõ người gửi và mối quan hệ giữa người gửi với bị đơn,... nên các email này không được xem là chứng cứ.
          Trong tố tụng tòa án chứng cứ và chứng minh giữ vai trò quyết định đến tính đúng đắn của việc giải quyết vụ việc[9] bất luận hệ thống Tòa án được xây dựng theo mô hình truyền thống hay mô hình Tòa án điện tử.
          Mặc dù việc chuyển đổi qua mô hình Tòa án điện tử mới đang ở giai đoạn xây dựng và bước đầu triển khai “Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng như cầu cải cách tư pháp”[10] nhưng với những tác động của cách mạng công nghệ 4.0, hoạt động giải quyết tranh chấp tại Tòa án[11] đã có những bước chuyển mình về cả góc độ pháp lý cũng như thực tế[12].  
          Quy định pháp luật hiện hành cũng đã ghi nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ nhưng các điều kiện cần và đủ để dữ liệu điện tử được xem là chứng cứ điện tử, đặc biệt trong Tòa án điện tử vẫn là vấn đề đang bị bỏ ngỏ. Thực tiễn này không chỉ của riêng hệ thống Tòa án Việt Nam mà ngay cả hệ thống pháp luật có ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành pháp luật Việt Nam như pháp luật Liên bang Nga thì đây cũng là vấn đề đang được hoàn thiện ở góc độ lập pháp, đang được bàn luận ở góc độ khoa học pháp lý. Về vấn đề này có thể tham khảo nhận định của nhóm tác giả như sau: Hoạt động chứng minh đóng vai trò quan trọng nhất trong tố tụng dân sự. Bằng sự chứng minh, những người tham gia tố tụng đạt được kết quả mong muốn có ý nghĩa pháp lý. Do đó, bắt buộc phải sử dụng bất kỳ cơ hội mới nào để mở rộng khả năng  và phương tiện bằng chứng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, một loại chứng cứ mới đã xuất hiện - chứng cứ điện tử, được sử dụng ngày càng nhiều trong thực tiễn xét xử. Một mặt, điều này chắc chắn làm tăng hiệu quả và mang lại nhiều cơ hội chứng minh hơn, nhưng mặt khác, một số lượng lớn các câu hỏi có tính chất pháp lý nảy sinh, trong đó có một số câu hỏi vẫn chưa được nhà lập pháp giải quyết[13].
          Có thể kể đến một số vấn đề pháp lý đang được đặt ra như[14]: thiếu các quy định cụ thể về quy trình thu thập chứng cứ, căn cứ xác minh tính chính xác của dữ liệu điện tử; yêu cầu, chi phí cho việc khôi phục các dữ liệu đã bị phá hủy hay giám định tính hợp pháp của dữ liệu hoặc việc mã hóa các dữ liệu điện tử cũng chưa được quy định cụ thể; khi khai thác dữ liệu điện tử cũng phát sinh nhiều vấn đề pháp lý về an ninh, chính trị và quyền của bên thứ ba, quyền riêng tư của cá nhân. Chẳng hạn, đương sự có thể yêu cầu tòa án xem xét tiến hành tìm kiếm dữ liệu nhưng không có quy định nghĩa vụ xóa dữ liệu, bảo mật dữ liệu đã được sao chép trong quá trình tra cứu dữ liệu (điều này làm tăng nguy cơ vi phạm quyền riêng tư của cá nhân); Hay thẩm phán có quyền yêu cầu xác minh, thu thập dữ liệu cho việc xem xét, đánh giá chứng cứ để bảo đảm tính khách quan của vụ án nếu thấy cần thiết, nhưng pháp luật lại chưa quy định thế nào là cần thiết. Ngoài ra, phạm vi địa lý cũng ảnh hưởng đến việc tra cứu bởi dữ liệu điện tử không bị giới hạn về mặt không gian và thời gian, có tính chất chuyển đổi và xuyên biên giới. Điều này dẫn đến việc tra cứu dữ liệu điện tử khó thực hiện và xác minh khi liên quan đến yếu tố nước ngoài.
          Nhằm góp phần rà soát, đánh giá nền tảng pháp luật cho việc chuyển đổi qua mô hình Tòa án điện tử của hệ thống Tòa án Việt Nam, nội dung bài viết sẽ đề cập đến quy định pháp luật hiện hành các vấn đề như: khái niệm chứng cứ điển tử và đánh giá dữ liệu điện tử như nguồn chứng cứ.
  1. Khái niệm dữ liệu điện tử - nguồn chứng cứ điện tử
          Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định các yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp[15].
          Chứng cứ có thể được thu thập từ các loại nguồn khác nhau mà pháp luật có quy định. Danh mục các nguồn chứng cứ được quy định tại Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là danh mục mở[16], như được xác định dựa trên sự tổng hợp các nguồn chứng cứ đang áp dụng phổ biến hiện này trong thực tiễn tố tụng dân sự.
          Trên cơ sở danh mục mở về nguồn chứng cứ mà cơ quan, tổ chức cá nhân có quyền thu thậphoặc trong các trường hợp do luật định, Tòa án có thể tiến hành thu thập, Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về điều kiện (cách xác định) để nguồn chứng cứ được coi là chứng cứ mà Tòa án có thể sử dụng trong quá trình giải quyết vụ viêc dân sự. Quy định này cho thấy việc đáp ứng quy định về cách xác định là điều kiện bắt buộc để nguồn chứng cứ có thể được coi là chứng cứ.
          Trong bài viết của mình, Tác giả Nguyễn Hải An đã phân tích từng loại nguồn chứng cứ và điều kiện mà từng nguồn chứng cứ phải thỏa mãn để có thể được xem là chứng cứ[17]. Bên cạch việc diễn giải quy định pháp luật, Tác giả Nguyễn Hải An có nêu một số bất cập về xác định nguồn chứng cứ, trong đó về chứng cứ điển tử, tính bất cập ở chỗ[18]: Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 ghi nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ nhưng không đưa ra khái niệm về chứng cứ điện tử.
          Về khái niệm chứng cứ điện tử, có một số quan điểm khác cho rằng “dữ liệu điện tử” hay “thông điệp dữ liệu điện tử” đồng thời cũng là “chứng cứ điển tử” và không nhận diện việc thiếu vắng khái niệm pháp lý về chứng cứ điện tử là bất cập[19].
          Quả thật, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 không có khái niệm pháp lý về chứng cứ điện tử.. Quy định của Bộ luật tố tụng dân sự không đi theo hướng đưa ra khái niệm đối với từng nguồn chứng cứ (tài liệu đọc được, nghe được, nhìn thấy được, dữ liệu điện tử, vật chứng…) mà theo hướng đưa ra định nghĩa chung về chứng cứ, quy định nguồn chứng cứ và tiếp theo là cách xác định từng nguồn chứng cứ. Một cách khác có thể nói, không những Bộ luật tố tụng dân sự không có khái niệm pháp lý về chứng cứ điện tử mà cũng không có khái niệm pháp lý về các nguồn chứng cứ dưới dạng tài liệu đọc được, nghe được, nhìn thấy được. Điều này cho thấy, sự thiếu vắng này chưa hẳn là bất cập có thể ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của chứng cứ từ dữ liệu điển tử. Vấn đề của dữ liệu điện tử như nguồn chứng cứ ở chỗ: về cơ bản quy định pháp luật tố tụng dân sự mới dừng ở việc ghi nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ mà chưa có quy định đầy đủ về tiêu chí cho việc xác định loại chứng chứ này trong sự tương thích với đặc thù của hình thức “điện tử”.
          Trước hết phải khẳng định khái niệm “Dữ liệu điện tử” không phải là một khái niệm mới trong pháp luật Việt Nam và đã được định nghĩa tại khoản 5, khoản 12, khoản 10 Điều 4 Luật Giao dịch điện tử năm 2005, theo đó: “Dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc tương tự”; “thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử” và “phương tiện điện tử là phương tiện hoạt động dựa trên công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện tử hoặc công nghệ tương tự”.
          Từ quy định này có thể thấy bản chất của dữ liệu điện tử cũng là thông tin nhưng có sự đặc thù ở các yếu tố như: hình thức thể hiện của dữ liệu; nguồn gốc khởi tạo lập, lưu, truyền gửi. Những đặc thù này trực tiếp tác động đến tính chất các điều kiện mà nguồn chứng cứ điện tử phải đáp ứng để có thể được coi là chứng cứ. Đây cũng chính là nội dung của khoản 1, khoản 2 Điều 14 Luật Giao dịch điện tử năm 2005, theo đó “Thông điệp dữ liệu điện tử không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu điện tử” và “Giá trị chứng cứ của thông điệp điện dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”.
          Có thể nói, tại thời điểm ban hành, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được xây dựng trên cơ sở Luật mẫu về Thương mại điện tử của Ủy ban Liên hiệp quốc về Luật Thương mại quốc tế[20] (Luật mẫu UNCITRAL) vì thế sự tiếp thu quy định về dữ liệu điện tử và thừa nhận giá trị pháp lý của dữ liệu điển tử cũng chịu ảnh hưởng về tính chất khung của các quy định này trong Luật mẫu[21].
          Khái niệm “thông điệp dữ liệu” được quy định tại Điều 2 Luật mẫu UNCITRAL[22] là quy định có tính mở, theo đó: khái niệm “thông điệp dữ liệu” không hạn chế bởi việc truyền thông điệp mà bao gồm cả thông điệp được tạo lpaaj với sự hồ trợ của máy tính nhưng không cho mục đích truyền tin; phương tiện truyền thông điệp dữ liệu bao gồm cả phương tiên tương tự về chức năng lưu trữ và truyền tin; khái niệm “thông điệp dữ liệu” bao gồm tất cả các dạng thông điệp được khởi tạo, tạo lập, lưu trữ hoặc truyền tin không dưới dạng văn bản giấy[23].
          Điều 5 Luật mẫu UNCITRAL[24] có tên gọi “Thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu” có mục đích loại trừ phân biệt đối với thông điệp dữ liệu, đảm bảo sự đối xử như nhau giữa thông điệp dữ liệu với tài liệu dưới dạng văn bản giấy. Để việc hiểu và áp dụng Điều 5 đúng với mục đích ban hành, UNCITAL có giải thích: Từ ngữ được sử dụng trong Điều 5 "thông tin không thể bị hủy bỏ hiệu lực pháp lý, tính có thật hoặc hiệu lực khởi kiện trên cơ sở duy nhất rằng nó ở dạng thông điệp dữ liệu" chỉ cho biết rằng hình thức định dạng, lưu trữ thông tin không thể là lý do duy nhất để hủy bỏ hiệu lực pháp lý, tính có thật hoặc hiệu lực khỏi kiện của thông tin. Tuy nhiên, Điều 5 không nên hiểu là quy định về thiết lập giá trị pháp lý của bất kỳ thông điệp dữ liệu cụ thể nào hoặc bất kỳ thông tin nào có trong thông điện dữ liệu[25]. Một cách khác có thể nói, quy định của Điều 5 Luật mẫu UNCITRAL xác lập nguyên tắc loại bỏ sự đối xử phân biệt giữa thông điệp dữ liệu với tài liệu văn bản giấy chỉ vì hình thức định dạng, lưu trữ, truyền tin của thông điệp dữ liệu là điện tử. Xuất phát từ cách tiếp cận này, khái niệm chứng cứ điện tử không thể có trong Luật mẫu UNCITRAL và cũng không thể có trong Luật giao dịch điện tử năm 2005.
          Để thừa nhận dữ liệu điện tử như một nguồn chứng cứ, trên cơ sở quy định về dữ liệu điển tử trong Luật giao dịch điện tử năm 2005, Bộ luật tố tụng dân sự và tố tụng hình sự năm 2015, đều có quy định ghi nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ với sự khác nhau ở mức độ cụ thể hóa[26].
          Không nhắc lại khái niệm dữ liệu điện tử của Luật giao dịch điện tử năm 2005, Bộ luật tố tụng dân sự chỉ quy định về hình thức thể hiện của dữ liệu điện tử làm cơ sở cho việc xác định dữ liệu điện tử dưới hình thức thể hiện nào có thể trở thành chứng cứ. Cụ thể, khoản 3 Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thử điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”. Hướng quy định này của Bộ luật tố tụng dân sự 2005 cũng là kỹ thuật pháp lý đã được áp dụng trong Luật mẫu UNCITRAL khi tập trung nhấn mạnh đến hình thức thể hiện của thông điện dữ liệu trong sự khác biệt với hình thức thể hiện của văn bản giấy.
          Với mục đích hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và Luật Tố tụng hành chính  2015 về việc gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số: 04/2016/NQ-HĐTP ngày 30/12/2016 (Tiếp theo là “Nghị quyết số: 04/2016/NQQ-HĐTP) trong đó có đưa ra định nghĩa về thông điệp dữ liệu điện tử dựa trên phương thức khởi tạo và lưu trữ. Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số: 04/2016/NQQ-HĐTP quy định như sau: “Thông điệp dữ liệu điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (sau đây gọi là thông điệp dữ liệu điện tử) là dữ liệu điện tử được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử từ đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, văn bản tố tụng đã được ban hành theo quy định của pháp luật”. Thực chất, định nghĩa này là sự lặp lại quy định của Luật giao dịch điện tử năm 2005 với sự đồng nhất hai khái niệm “thông điệp dữ liệu điện tử” và “dữ liệu điện tử”, đồng thời bổ sung điều kiện mà dữ liệu điện tử cần đáp ứng để được coi là chứng cứ trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính là tính liên quan. Cụ thể là sự liên quan đến đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, văn bản tố tụng đã được ban hành theo quy định của pháp luật.
            Tóm lai có thể thấy, không có điều luật nào đưa ra định nghĩa về chứng cứ điện tử, cũng như các nguồn chứng cứ khác cũng không được định nghĩa trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, vì là nguồn chứng cứ còn mới mẻ trong thực tiễn giải quyết tranh chấp cũng như khoa học pháp lý của Việt Nam nên nhu cầu tìm hiểu về nguồn chứng cứ này thông qua khái niệm cũng là chính đáng.
            Trên cơ sở những phân tích như trên, chứng cứ điện tử có thể hiểu là thông tin dưới dạng dữ liệu điện tử bao gồm nhưng không giới hạn ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử từ đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ, văn bản tố tụng đã được ban hành theo quy định của pháp luật[27].
Nội dung khái quát như trên về chứng cứ điện tử hướng đến việc làm rõ 02 dấu hiệu (đặc tính) cơ bản nhất của nguồn chứng cứ này, đó là nội dung (thông tin) và hình thức (ghi nhận bằng phương tiện điện tử)[28]. Khi và chỉ khi xác định được dấu hiệu cơ bản của dữ liệu điện tử, Tòa án mới có cơ sở để xác định nguồn chứng cứ này có thể được chấp nhận là chứng cứ sử dụng trong tố tụng hay không.
            Mặc dù không đưa ra định nghĩa pháp lý về chứng cứ điện tử nhưng Người viết vẫn cho rằng bản chất pháp lý của dữ liệu điện tử như nguồn chứng cứ đã được làm rõ trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Điều cần phải được ưu tiên cụ thể hóa hơn chính là việc bổ sung các quy định về cách thức, tiêu chí là căn cứ đánh giá việc dữ liệu điện tử đáp ứng điều kiện để được coi là chứng cứ trong sự tương thích với bản chất pháp lý và đặc thù của nguồn chứng cứ này.
          Việc pháp luật không định nghĩa về chứng cứ điện tử cũng là thực tế của pháp luật Liên bang Nga[29]. Vào năm 2006, khi Luật liên Bang số 149- ФЗ  "Về thông tin, công nghệ thông tin và bảo vệ thông tin"[30] được ban hành, quy định pháp luật mới chỉ đề cập đến khái niệm “…”.  Khái niệm “tài liệu điện tử” (“Eletronic document”)  chỉ xuất hiện trong văn bản pháp luật Liên khi  bang Nga vào năm 2010 khi Luật liên Bang số 149- ФЗ  được sửa đổi, bổ sung do có sự ban hành hành Luật liên Bang số 227-FZ ngày 27/07/2010[31]. Theo Điều 2 Luật liên Bang số 149- ФЗ, tài liệu điện tử được hiểu dữ liệu thông tin được hiển thị dưới hình thức điện tử, có nghĩa dưới dạng có con người có thể nhận biết được bằng việc sử dụng thiết bị điện tử, cũng như để truyển tải bằng mạng thông tin viễn thông hoặc xử lý trong hệ thống thông tin[32]. Tuy nhiên, quy định pháp luật chưa ghi nhận tài liệu điện tử như nguồn chứng cứ. Lý giải về việc nhà làm luật nhận thấy không cần thiết làm rắc rối thêm quy định pháp luật với thuật ngữ có tính chất “nhà mạng” nên đã từ chối quy định trong pháp luật về tố tụng (dân sự và hình sự) khái niệm chứng cứ điện tử, V.G. Golubstov cho rằng:[33] Theo quan điểm của nhà lập pháp, tất cả các tài liệu, bao gồm tài liệu là bản ghi được tạo ra dưới dạng kỹ thuật số, đồ họa, kể cả những tài liệu nhận được bằng fax, điện tử hoặc hình thức liên lạc khác có sử dụng Internet, tài liệu được ký bằng chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật Liên bang Nga, hoặc được xác thực theo cách do luật định cho phép xác định độ tin cậy của tài liệu đều là chứng cứ viết trong vụ việc. Quan điểm này cho thấy vì cho rằng chứng cứ điện tử là chứng cứ viết, nguồn chứng cứ đã được pháp luật định nghĩa nên việc đưa ra định nghĩa chứng cứ điện tử là không cần thiết.
          Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý của Nga cũng đã có các quan điểm khác nhau về bản chất chứng cứ điện tử[34].
          Quan điểm thứ nhất, tài liệu điện tử thuộc nguồn chứng cứ viết nếu như nội dung tài liệu chứa đựng suy nghĩ của con người có giá trị chứng cứ và có thể nhận biết được bằng cách đọc ký tự viết.

          Quan điểm khác cho rằng không nên xem tài liệu điện tử là nguồn chứng cứ dưới hình thức viết theo đúng nghĩa vì tài liệu này không thể hiện dưới dạng văn bản viết và không gắn với tính độc đáo của tác giả. Tài liệu điện tử nên xem là vật chứng.
          Để xác định chứng cứ điện tử thuộc nguồn chứng cứ viết hay vật chứng hay nguồn chứng cứ được thu thập từ phương tiện điện tử, theo quan điểm của V.G. Golubstov nên dựa trên lý thuyết về chứng cứ. Trong ba quan điểm trên V.G. Golubstov cho rằng quan điểm thư nhất có tính thuyết phục hơn cả bởi lẽ tài liệu là chứng cứ điện tử có chữ ký điện tử thì giá trị pháp lý của chữ ký điện tử cũng đương tương chữ ký viết tay của người tạo lập tài liệu[35]. Bên cạnh đó việc coi chứng cứ điện tử là nguồn chứng cứ viết còn bởi lý do cho dù là chữ số, ký hiệu hay thư điện tử, điện tín…và được tạo ra, lưu, trao đổi bằng phương tiện điện tử thì thông tin từ tài liệu này cũng là những khái niệm, những phán đoán, suy luận (suy nghĩa) của con người về sự vật, hiện tượng trong thực tại. Nội hàm trọng yếu trong thuật ngữ “chứng cứ điện tử” vẫn phải là “chứng cứ” tức là thông tin mà Tòa án có thể sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ là hợp pháp, trong khi đó yếu tố “điện tử” mang tính chất kỹ thuật với vai trò hình thức thể hiện suy nghĩ của con người. Một cách khác có thể nói yếu tố “điện tử” chỉ tạo nên đặc thù của dữ liệu điện tử về hình thức và thông tin như nguồn chứng cứ. Những đặc thù này chỉ tác động đến sự khác biệt trong quy trình và thủ tục thu thập, đánh giá dữ liệu điện tử chứ chưa hẳn tất cả các tính năng “điện tử” đều tạo ra sự thay đổi căn bản trong lý thuyết cơ bản về chứng cứ từ việc thừa nhận chứng cứ điện tử là nguồn chứng cứ[36].
          Về hình thức điện tử của dữ liệu điện tử được biểu hiện ở các yếu tố kỹ thuật và thuộc tính của vật mang thông tin. Hình thức điện tử được tạo ra bằng việc sử dụng các phương tiện điện tử và kỹ thuật để ghi, lưu trữ, xử lý và truyền thông tin, nhờ đó mà thông tin được cố định trong các tài liệu không phải dưới dạng văn bản, mà tệp tin có hình thức "điện tử". Nếu như thông tin được thực hiện trên văn bản truyền thống, vật ghi thông tin là giấy thì đối với dữ liệu điện tử, tệp tin lưu trữ là dạng chính của tài liệu điện tử kỹ thuật số, thực chất là một loại “giấy điện tử”.
          Một cách khác có thể nói, thông tin cấu thành nội dung của tài liệu điện tử không khác với thông tin cấu thành nội dung của các loại tài liệu khác. Tuy nhiên, hình thức thể hiện của thông tin dưới dạng bản ghi trên phương tiện điện tử có thể xem là sự khác biệt giữa tài liệu điện tử với các tài liệu khác. Và vì thế đúng như V.G. Golubstov nhận định: câu hỏi cần đặt ra về chứng cứ điện tử không phải là câu hỏi về những tiến bộ kỹ thuật điện tử, mà là những câu hỏi về chứng cứ dựa trên lý thuyết cổ điển về chứng cứ với một chút sửa đổi “công nghệ” liên quan đến phương pháp truy xuất những tài liệu “ảo” này[37]. Điều này cũng có nghĩa việc không đưa ra khái niệm pháp lý về chứng cứ điện tử không phải là vấn đề sửa luật. Thay vào đó, việc chuyển đổi Tòa án qua hệ thống Tòa án điện tử nên tập trung vào việc làm rõ hơn điều kiện, quy trình, thủ tục để Tòa án có thể đánh giá nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử.
  1. Đánh giá chứng cứ là dữ liệu điện tử
          Đánh giá chứng cứ chính là việc Tòa án tìm câu trả lời cho câu hỏi: nguồn chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập, giao nộp cho Tòa án có được xem là chứng cứ trong vụ việc hay không.
          Việc đánh giá chứng cứphải tuân thủ quy định Điều 108 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, theo đó “..chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ”.
          Quy định về đánh giá chứng cứ cho thấy điều kiện mà bất kỳ nguồn chứng cứ cũng phải đáp ứng để có thể trở thành chứng cứ trong vụ việc bao gồm:
  • Tính liên quan
  • Tính hợp pháp
  • Giá trị chứng cứ.
          Dữ liệu điện tử là một trong các nguồn chứng cứ vì thế điều kiện để dữ liệu điện tử trở thành chứng cứ, trước hết cũng là các điều kiện được quy định tại Điều 108 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
          Mặt khác, Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự khi định nghĩa về chứng cứ đồng thời có quy định chứng cứ do cơ quan, tổ chức cá nhân giao nộp, xuất trình cho Tòa án phải được thu thập theo trình tử, thủ tục do luật định.
          Riêng đối với dữ liệu điện tử, giá trị chứng cứ còn phụ thuộc vào các yếu tố như: độ tin cậy của cách khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”.
          Như vậy, để được xem là chứng cứ trong vụ việc, dữ liệu điện từ phải đáp ứng đồng thời 02 điều kiện về tính chất thông tin từ dữ liệu và thủ tục, quy trình thu thập.
Thông tin từ dữ liệu điện tử phải đảm bảo đồng thời các điều kiện[38]:
  • Tính có thật và khách quan
  • Tính liên quan đến vụ việc
  • Độ tin cậy của các khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền
          Quy trình, thủ tục thu thập dữ liệu điện tử phải đảm bảo tính hợp pháp.
          Ngoài việc định danh các điều kiện mà dữ liệu điện tử phải đáp ứng để được coi là chứng cứ, pháp luật chưa có các quy định giải nghĩa cũng như hướng dẫn áp dụng từng điều kiện tróng quá trình đánh giá dữ liệu điện tử với sự cân nhắc đến tính đặc thù của quá trình khởi tạo, lưu trữ, truyền thông tin.
          Ví dụ, tính có thật của dữ liệu điện tử được hiểu và đánh giá dựa trên yếu tố nào, quy định pháp luật tố tụng dân sự hiện hành không có sự giải nghĩa và cũng không có quy định.
          Dưới góc độ tố tụng hình sự, theo khoản 1 Điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015[39], tính có thật của thông tin được xác định dựa trên tính xác thực của thông tin.
Tính có thật của chứng cứ nói chung và dữ liệu điện tử như nguồn chứng cứ nói riêng cũng không được bàn luận một cách trực tiếp trong khoa học pháp lý.
Đối với tài liệu đọc được, từ nội dung phân tích trong bài viết của Tác giả Nguyễn Hải An có thể hiểu tính xác thực của thông tin được xác định dựa trên đặc tính của văn bản chứa đựng thông tin: bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận[40].
Đối với các tài liệu nghe được, nhìn được như băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, phim, ảnh..phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận nguồn gốc xuất xứ của tài liệu này hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc thu âm, thu hình[41]. Như vậy tính có thật của thông tin hay tính xác thực của thông tin từ các tài liệu nhìn được, nghe được sẽ xác định dựa trên văn bản đi kèm của người có tài liệu về về ngồn gốc xuất xứ của tài liệu.
Các hiểu và cách xác định tính có thật của dữ liệu điện tử cũng không được đề cập trong bài viết của Tác giả Nguyễn Hải An.
Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Thu Hà cũng chỉ đề cập đến yêu cầu việc thu thập chứng cứ, bao gồm dữ liệu điện tử phải đảm bảo tính hợp pháp, có nghĩa thu thập theo thủ tục do luật định[42].
            Để có thêm cách nhìn về điều kiện mà dữ liệu điện tử phải đáp ứng để có thể trở thành chứng cứ của vụ việc, Bài viết đưa ra một số quan điểm trong khoa học pháp lý của Nga.
          Khi đánh giá các tài liệu điện tử được giao nộp, xuất trình làm bằng chứng, cần tính đến những điều kiện sau đây[43]: 1) độ tin cậy của phương pháp mà thông điệp điện tử được khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền đi. Thời gian lưu trữ thông tin kể cả trong trí nhớ của con người và trong các nguồn thông tin hiện đại đều có giới hạn và giới hạn này cũng phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ví dụ, chứng cứ điện tử có thể hỏng do thủ tục, quy trình đặc thù để cố định sự kiện bị vi phạm; 2) độ tin cậy của phương pháp đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin; 3) độ tin cậy của phương pháp nhờ đó mà người khởi tạo thông tin được xác định; 4) tính đúng đắn của phương pháp cố định thông tin, bởi vì việc cố định thông tin trên một nguồn hiện đại có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của chứng cứ điện tử.
Một góc nhìn khác về điều kiện mà dữ liệu điện tử phải đáp ứng để có thể trở thành chứng cứ dựa trên các nghiên cứu đã được chứng minh trong tố tụng dân sự của  Нахова. Е. А. (Nakhova. E. A.) có nội dung như sau[44]:
          Thứ nhất, thực tiễn xét xử trong tố tụng dân sự cho thấy, “khả năng hiểu được” là yêu cầu vô điều kiện đối với bất kỳ tài liệu điện tử để được thừa nhận là chứng cứ.
          Thứ hai, một trong các điều kiện mà tài liệu điện tử phải đáp ứng để được thừa nhận như chứng cứ là khả năng xác định được tác giả của tài liệu với sự trợ giúp của chữ ký số điện tử. Khi đưa ra điều kiện này, Нахова. Е. А. (Nakhova. E. A.) muốn nói tới tính xác thực của tài liệu điện tử. Tuy nhiên, khả năng này chỉ khả thi khi chữ ký số điện tử được xác định.
          Thứ ba, để được thừa nhận như chứng cứ, tài liệu điện tử cần có sự tuân thủ các yếu tố bảo đảm tính toàn vẹn của tài liệu tương ứng với đặc thù của việc tạo lập, lưu trữ, truyền tải qua các phương tiện điện tử. Điều kiện này thực chất hướng đến việc đánh giá tính khách quan, không bị bóp méo, không bị sửa chữa, sai lệch của thông tin từ dữ liệu điện tử,
          Đề cập đến điều kiện để dữ liệu điện tử có thể được xem là chứng cứ trong vụ việc, Эстерлейн Ж.В (Esterlein Zh.V) trong bài viết của mình có nhận định[45]: khả năng nhận dạng và xác thực của dữ liệu điện tử là rất quan trọng trong việc đanh giá độ tin cậy của thông tin cấu thành nội dung của tài liệu điện tử. Xác thực tài liệu điện tử thường được hiểu là khả năng xác minh tính toàn vẹn và bất biến của nội dung tài liệu điện tử. Nhận dạng một tài liệu điện tử được hiểu là khả năng xác định rằng dử liệu thực sự được nhận từ một người, ví dụ, được chỉ ra trong tài liệu dưới tư cách là người gửi. Ở đây, Эстерлейн Ж.В (Esterlein Zh.V) có sự nhấn mạnh đến tính quan trọng của việc thiếp lập các biệp pháp bảo vệ độ tin cậy đối với thông tin được xử lý bởi máy tính điện tử khỏi sự cố ý bóp méo, rò rỉ, làm giả và các hành động bất hợp pháp khác. Trên thực tế, việc không được bảo vệ khỏi sự xuyên tạc dẫn đến thông tin không chính xác và hậu quả là việc hủy bỏ hiệu giá trị chứng cứ của tài liệu. Đối với việc xác định độ tin cậy của thông tin có trong tài liệu kỹ thuật số điện tử, Эстерлейн Ж.В (Esterlein Zh.V) cho rằng: điều quan trọng là tài liệu đó phải chứa các chi tiết nhất định được thiết lập theo các quy tắc tương ứng. Việc thiếp lập đúng tài liệu và việc ký chữ ký điện tử của người có thẩm quyền có tính quyết định hiệu lực pháp lý của tài liệu số điện tử. Эстерлейн Ж.В (Esterlein Zh.V)  cũng đưa ra lưu ý rằng không thể chuyển một cách đơn giản chữ ký điện tử từ tài liệu này sang tài liệu khác (tương tự như việc photocopy hoặc scan một chữ ký thông thường trên tài liệu giấy) có nghĩa chữ ký điện tử trên một tài liệu điện tử là điều kiện cần thiết chỉ cho tài liệu điện tử đã ký cụ thể này. Chữ ký điện tử cho phép xác minh tính xác thực của tài liệu điện tử và xác định người ký.
Từ những phân tích như trên, về vấn đề dữ liệu điện tử như nguồn chứng cứ có thể khẳng định: quy định pháp luật tố tụng dân sự hiện hành đã tạo được cơ sở pháp lý cho viện thừa nhận nhưng việc đánh giá và sử dụng nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Ngoài những gì đã nêu trong Bài viết, theo quan điểm của Người viết, pháp luật nên có cơ sở pháp lý cho câu hỏi: Tòa án có quyền từ chối chấp nhận chứng cứ là dữ liệu điện tử trong trường hợp không có thiết bị kỹ thuật để tái tạo chứng cứ tại phiên toà hay không?
Nguyễn Đức Phước - Chánh án Tòa án nhân dân quận Bình Tân           
 
 
 
 
 
 
[1] Nguyễn Thị Thu Hà, Bình luận về nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đăng tại: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207095. Truy cập ngày 22/6/2021
[2] Báo cáo số 17/BC-TANDTC ngày 09/7/2021 về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án và định hướng xây dựng Tòa án điện tử tại Hội nghị “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” ngày 14 tháng 7 năm 2021. Tr.1
[3] Bài viết lấy năm 1959 là mốc hình thành hệ thống tòa án nhân dân sau khi Hiến pháp Việt Nam năm 1959 có hiệu lực theo thông tin đăng tại: https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-lich-su?dDocName=TOAAN017209 (Truy cập ngày 28/7/2021).
[4] Tính đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ TAND tối cao, TAND TP.HCM được đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng côgn nghệ thông tin ở mức cơ bản, các Tòa án còn lại hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin rất yếu kém, lạc hậu ( chỉ có mạng nội bộ sơ khai kết nối thẳng với đường truyền Internet để các máy tính truy cập Internet, không có máy chủ quản lý, thiết bị bảo mật và phần mền diệt virus). Nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin của TAND địa phương còn thiếu và yếu, chủ yếu là kiêm nhiệm nhiều việc khác. (Báo cáo số 17/BC-TANDTC ngày 09/7/2021 tại trang 07).
[5] Báo cáo công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án và định hướng xây dựng Tòa án điện tử số 17/BC-TANDTC ngày 05 tháng 7 năm 2021. Tr.6
[6] Xem Hướng dẫn gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và đăng ký nhận văn bản, thông báo tố tụng bằng phương thức trực tuyến tại : https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/vb-huong-dan?dDocName=TAND055163 (Ngày truy cập: 03/7/2021)
[8] Từ ngày 30-12-2017 đến ngày 24-3-2018, Công ty DN nhiều lần liên hệ qua điện thoại mua các hàng hóa nêu trên của Công ty B với tổng số tiền 2.363.231.024 đồng. Ngày 01-6-2018 và ngày 09-8-2018.
[9] Nguyễn Hải An, Chứng cứ và chứng cứ điện tử theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng. Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam (04 (125)-2019, Trang 38.
[10] Xem Quyết định số 152/QĐ-TANDTC ngày 28 tháng 5 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc xây dựng “Đề án xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng như cầu cải cách tư pháp”
[11] Xem bài viết của Tác giả Đỗ Văn Đại về “Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới hoạt động giải quyết tranh chấp tại Tòa án và ngoài Tòa án ở Việt Nam” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 (kỳ I tháng 10/2018) từ trang 5- 15 và số 20 (kỳ II tháng 10/2018) từ trang 14 – 15 và trang 47. Trong bài viết Tác giả Đỗ Văn Đại đã nếu các vấn đề sẽ chịu tác động từ cách mạng công nghệ 4.0 như: gửi đơn khởi kiện; gửi tài liệu tố tụng đến các bên, chủ thể khác; tham gia phiên xét xử; biên bản phiên xét xử; triển khai nguyên tắc công khai; tạo lập hồ sơ vụ tranh chấp và một số vấn đề liên quan đến xử lý hồ sơ tranh chấp, thực thi phán quyết. Ở từng vấn đề Tác giả Đỗ Văn Đại đã nếu thực trạng pháp luật và hướng hoàn thiện pháp luật.Ví dụ: đối với vấn đề gửi đơn khởi kiện, giải pháp hoàn thiện pháp luật theo hướng pháp luật “nên ưu tiên hàng đầu” phương thức gửi đơn trực tuyến hoặc đối với việc gửi tài liệu tố tụng đến các bên, chủ thể khác, giải pháp hoàn thiện pháp luật theo hướng “khai thác phương tiên điện tử như một công cụ chính hay duy nhất”.
[12] Khoản 1 Điều 190 Bộ luật TTDS 2015 đã có các quy định Người khởi kiện có thể gửi đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Công thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Điều 176 của Bộ luật TTDS 2015 đã ghi nhận việc áp dụng quy định của pháp luật về giao dịch điển tử đối với việc cấp, tống đạt, thông báo bằng phương tiện điện tử.
Trên thực tế, hệ thống Tòa án cũng đã thực hiện các hoạt động như: hội nghị trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu; công bố quyết định của Tòa án, bản án, Án lện trên trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; đưa vào áp dụng phần mền quản lý việc thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tối cao; dịch vụ công đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; đưa vào sử dụng cổng Thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao và 67 Trang thông tin điển tử của Tòa án nhân dân các cấp và dịch vụ công gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án bằng phương tiện điện tử. (Báo cáo số 17/BC-TANDTC ngày 09/7/2021 về công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tòa án và định hướng xây dựng Tòa án điện tử tại Hội nghị “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” ngày 14 tháng 7 năm 2021).
[13] Ланг П.П, Лошкарев А. В, Калашникова Е. Б, Середкина О. А, Электронные доказательства в гражданском праве, Вопросы экономики и права. 2020. No 3 (141). Tr.12 (Lang P. P, Loshkarev A. V, Kalashnikova E. B, Seredkina O. A, Electronic evidence in civil law, Economic issues and law)
Bài viết của Седельникова Д. В. về Проблемы применения электронного доказательства в гражданском и арбитражном процессах” đăng trên Tạp chí  Правопорядок: история, теория, практика. 2017. No2. С.31. (Sedelnikova. D.V. Problems of application of electronic evidence in civil and arbitration processes.

[14] Bài viết Hoàn thiện quy định về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự của tác giả hoặc Bút danh Dương Sao đăng trên: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/hoan-thien-quy-dinh-ve-chung-cu-dien-tu-trong-to-tung-dan-su-658592 (Truy cập 22/6/2021).

[15] Xem Điều 93 Bộ Luật TTDS 2015.
[16] Điều 94  Bộ Luật TTDS 2015 về Nguồn chứng cứ , quy định Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử. 2. Vật chứng. 3. Lời khai của đương sự. 4. Lời khai của người làm chứng. 5. Kết luận giám định. 6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ. 7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản. 8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập. 9. Văn bản công chứng, chứng thực. 10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
[17] Nguyễn Hải An, Chứng cứ và chứng cứ điện tử theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng. Sđd. Tr.38-53. Có thể ruy cập bài viết tại: https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=6703d335-bfd4-4ad8-9eb3-7b514643d438 (Truy cập ngày 22/6/2021).
[18] Đối với các nguồn chứng cứ khác bất cấp trong việc xác định nguồn chứng cứ gồm:  Thứ nhất, đối với tài liệu đọc được, bản chính là bản gốc, là bản đầu tiên, là bản được dùng để làm ra bản sao. Vậy thì, ngược lại, bản sao là bản được làm ra từ bản gốc hay được chép lại từ bản gốc? Thứ hai, pháp luật thừa nhận nguồn chứng cứ là tài liệu nghe được, nhìn được dưới dạng thu âm, thu hình nhưng lại chưa đề cấp đến nguồn chứng cứ có thể được nhận biết qua các giác quan khác ngoài thị giác và thính giác như vị giác, khứu giác, xúc giác (mùi hương, vị cay đăng hay cảm nhận đau thương).
[19] Xem quan điểm của tác giả Nguyễn Thành Minh chánh trong bài viết “Pháp luật về chứng cứ điển tử tại Việt Nam đăng tại: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/phap-luat-ve-chung-cu-dien-tu-tai-viet-nam (Truy cập ngày 22/6/2021).
Xem quan điểm của tác giả Lê văn Thiệp trong bài viết “Chứng cứ điện tử trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại” đăng tại: https://kiemsat.vn/chung-cu-dien-tu-trong-giai-quyet-tranh-chap-kinh-doanh-thuong-mai-46731.html. (Truy cập ngày 22/6/2021).
[20] Uncitral Model Law on Electronic Commerce with Guide to Enactment 1996 with additional article 5bis as adopted in 1998 (Truy cập: https://uncitral.un.org/sites/uncitral.un.org/files/media-documents/uncitral/en/19-04970_ebook.pdf). Ngày truy cập 22/6/2021
[21] Thông tin về góc nhìn từ đại biểu: Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử - đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đăng tại: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?ItemID=51531 (Truy cập ngày 22/6/2021)
[22] Điều 2 (a) Model law UNCITRAL:  “Data message” means information generated, sent, received or stored by electronic, optical or similar means including, but not limited to, electronic data interchange (EDI), electronic mail, telegram, telex or telecopy
[23] Điều 30 Guide to Enactment of Uncitral Model Law on Electronic Commerce (1996)
[24] Điều 5 Model law UNCITRAL: Information shall not be denied legal effect, validity or enforce- ability solely on the grounds that it is not contained in the data mes- sage purporting to give rise to such legal effect, but is merely referred to in that data message.
[25] Điều 46 Guide to Enactment of Uncitral Model Law on Electronic Commerce (1996)
[26] Tương tự như Bộ luật TTDS năm 2015, Bộ luật TTHS cũng không có khái niệm pháp lý về chứng cứ điện tử. Dữ liệu điện tử cũng được ghi nhận như một trong các nguồn chứng cứ tại Điều 87. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS có một điều luật riêng biệt với tên gọi “Dữ liệu điện tử” (Điều 99). Nội dung của Điều luật này quy định về 03 vấn đề: Đĩnh nghĩa dự liệu điện tử; nguồn điẹn tử có thể thu thập và điều kiện xác định giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử. Cụ thể,  Điều 99 Bộ luật TTHS năm 2015 về Dữ liệu điện tử quy định: “1. Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. 2. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác. 3. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”
[27] Có thể xem thêm định nghĩa về chứng cứ điẹn tử trong bài viết của Tác giả Nguyễn Hải An: “Chứng cứ điện tử là thông điệp dữ liệu điện tử được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử thể hiện dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự do các chủ thể tham gia quan hệ giao dịch điện tử lưu giữ, thu thập cung cấp cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo thủ tục do Luật giao dịch điện tử năm 2005 quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ việc dân sự cũng như xác định yêu càu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp” (Xem  Nguyễn Hải An, Sđd).
“Chứng cứ điện tử được hiểu là thông tin độc lập được ghi lại trên phương tiện điện tử và chứa các chi tiết cho phép nhận diện thông tin và phương tiện chứa đựng thông tin, bao gồm việc ghi lại quá trình truyền qua mạng thông tin và viễn thông” (Xem Сафронов С. Г., Минбалеев А. В. Понятие и природа электронных доказательств в административном процессе России // Вестник ЮУрГУ. 2014. No 4. Tr. 116). (Safronov S.G., Minbaleev A.V. The concept and nature of electronic evidence in the administrative process of Russia// Bulletin South Ural State University)
[28] Đây cũng là quan điểm của Эстерлейн Ж.В thể hiện trong bài viết “Особенности электронного документа как источника доказательств в гражданском процессе”, đăng trên Tạp chí Вестник Пермского университета, Выпуск 2(12) năm 2011 Tr.161. (Esterlein Zh.V., “Features of an electronic document as a source of evidence in civil proceedings”. Perm University Bulletin. Issue 2 (12) năm 2011)
[29] Седельникова Д. В. Проблемы применения электронного доказательства в гражданском и арбитражном процессах” đăng trên Tạp chí  Правопорядок: история, теория, практика. 2017. No2. С.31. (Sedelnikova D. V.  “Problems of application of the electronic evidence in civil and arbitration proceedings” đăng trên Tạp chí Pravoporyadok: history, theory, practice)
[30] Федеральный закон от 27.07.2006 No 149-ФЗ «Об информации, информационных технологиях и о защите информации» (Federal Law of July 27, 2006 No. 149-FZ On Information, Information Technologies and Information Protection "On information, information technology and information protection") (Truy cập: http://www.consultant.ru/document/cons_doc_LAW_61798/) Ngày truy cập:22/6/2021
Điều 2 (10) “электронное сообщение - информация, переданная или полученная пользователем информационно-телекоммуникационной сети” ("Electronic message - information transmitted or received by the user of the information and telecommunications network")

[31] Федеральный закон "О внесении изменений в отдельные законодательные акты Российской Федерации в связи с принятием Федерального закона "Об организации предоставления государственных и муниципальных услуг" от 27.07.2010 N 227-ФЗ (последняя редакция). (Federal Law "On Amendments to Certain Legislative Acts of the Russian Federation in Connection with the Adoption of the Federal Law" On the Organization of the Provision of State and Municipal Services”. Truy cập: http://www.consultant.ru/document/cons_doc_LAW_103104/. Ngày truy cập 22/6/2021.

[32] Điều 2 (11.1) “электронный документ - документированная информация, представленная в электронной форме, то есть в виде, пригодном для восприятия человеком с использованием электронных вычислительных машин, а также для передачи по информационно-телекоммуникационным сетям или обработки в информационных системах” (“Electronic document - documented information presented in electronic form, that is, in a form suitable for human perception using electronic computers, as well as for transmission over information and telecommunication networks or processing in information systems)
[33] В.Г.Голубцов,Электронные доказательства в электронном правосудия. Вестник гражданского прцесса №1 2019.Том 9. Tr.178 (V.G. Golubtsov, Electronic evidence in electronic justice. Bulletin of the civil processes №1 2019.Tom 9. Tr.178)
[34] Седельникова Д. В. (Sedelnikova D. V). Sđd.32
[35] В.Г.Голубцов,Электронные доказательства в электронном правосудия. Вестник гражданского прцесса №1 2019.Том 9. Tr.178 (V.G. Golubtsov, Electronic evidence in electronic justice. Bulletin of the civil processes №1 2019.Tom 9. Tr.178)
[36] В.Г.Голубцов,Электронные доказательства в электронном правосудия. Вестник гражданского прцесса №1 2019.Том 9. Tr.172 (V.G. Golubtsov, Electronic evidence in electronic justice. Bulletin of the civil processes №1 2019.Tom 9)
Theo quan điểm V.G. Golubstob: Cơ sở lý thuyết của học thuyết về chứng cứ pháp lý là dựa trên thông tin về các sự kiện của vụ việc. Gánh nặng chính của các bên trong nghĩa vụ chứng minh nằm ở nội dung của thông tin cung cấp, giao nộp cho Tòa án. Hình thức thể hiện của thông tin khi đã được định dạng và thu thập theo quy định pháp luật  không ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của thông tin có trong đó. Để xác định nguồn chứng cứ với tư cách là chứng cứ phục vụ việc xét xử, điều quan trọng là phải có thông tin (dữ liệu sự kiện, thông tin) quan trọng đối với việc giải quyết vụ việc, trong khi đó, phương tiện vật chất chứ đựng thông tin có giá trị đảm bảo khả năng lưu trữ, cung cấp, tái tạo thông tin và là một thủ tục tố tụng thu thập thông tin có liên quan đến vụ việc đang được giải quyết bởi Tòa án.
[37] В.Г.Голубцов,Электронные доказательства в электронном правосудия. Вестник гражданского прцесса №1 2019.Том 9. Tr.180 (V.G. Golubtsov, Electronic evidence in electronic justice. Bulletin of the civil processes №1 2019.Tom 9. Tr.180). В.Г. Голубцов,  Теория доказательств и цифровизация в гражданском судопроизводствеЖурнал "Пермский юридический альманах" №2.2019. Tr. 379-387 (V.G. Golubtsov, Evidence theory and digitalization in civil proceedings. The journal "Perm legal almanac" №2.2019. 379-387)
[38] Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, điều kiện để dử liệu điện tử có thể sử dụng làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự gồm: Tính khách quan; tính hợp pháp và tính liên quan. (Xem bài viết “Điêu kiện để dử liệu điện tử có thể sử dụng làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự” của  Trần Xuân Thiên An đăng tại: https://tkshcm.edu.vn/dieu-kien-de-du-lieu-dien-tu-co-the-su-dung-lam-chung-cu-trong-qua-trinh-giai-quyet-vu-an-hinh-su/. (Truy cập ngày 22/6/2021).
[39] Khoản 1 Điều 108 Bộ luật TTHS năm 2015 về kiểm tra, đánh giá chứng cứ có quy định “Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, tính xác thực và liên quan đến vụ án…”. Chứng cứ theo Điều 86 Bộ luật TTHS năm 2015 cũng hiểu “là những gì có thật….”
[40] Xem Nguyễn Hải An, Sđd
[41] Khoản 3 Điều 95 Bộ luật TTDS năm 2015 và điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định về “Chứng minh và chứng cứ” của Bộ luật tố tụng dân sự  đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.
[42] Nguyễn Thị Thu Hà, Bình luận về nguyên tắc cũng cấp chứng cứ và chứng minh trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đăng tại: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207095. Truy cập ngày 22/6/2021.
[43] Горелов М.В. Электронные доказательства в гражданском судопроизводстве России: вопросы теории и практики. Екатеринбург. 2005. Tr.11 (Gorelov M.V. Electronic evidence in civil proceedings in Russia: Theory and practice. Ekaterinburg. 2005. Tr.11).
[44]Нахова. Е. А. Проблемы электронных доказательств в цивилистическом процессе. Ленинградский юридический журнал 4 (2015). Tr.304-305 (Nakhova. E. A. Problems of Electronic Evidence in the Civil Process).
[45] Эстерлейн Ж.В (Esterlein Zh.V). Sđd. Tr.162

Ý kiến bạn đọc

Danh sách bình luận

Xem thêm »